(Chinhphu.vn) – Tính đến hết ngày 7/6, tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được hơn 55.000 tấn vải thiều và tỉnh Hải Dương đã bán được khoảng 38.000-40.000 tấn vải.
Hơn 180 tấn vải thiều Việt Nam đã được xuất khẩu sang Nhật. |
Theo báo cáo của Bộ Công Thương về kết quả triển khai hỗ trợ tiêu thụ nông sản ở 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, đối với tỉnh Bắc Giang, đến hết ngày 7/6, tỉnh đã tiêu thụ được khoảng 55.038 tấn vải, giá bình quân 12.000-32.000 đồng/kg. Giá vải thiều xuất khẩu đi Nhật 58.000 đồng/kg.
Tiêu thụ tại thị trường trong nước đạt 36.017 tấn, qua các kênh phân phối chủ yếu như chợ đầu mối; siêu thị, trung tâm thương mại; các sàn thương mại điện tử; chế biến tiêu thụ; hệ thống thương nhân khác. Xuất khẩu vải thiều Bắc Giang đạt 19.021 tấn, trong đó, riêng thị trường Trung Quốc đạt 18.971 tấn.
Về vải thiều của Hải Dương, đã thu hoạch và tiêu thụ từ 38.000-40.000 tấn (khoảng 85% sản lượng vải sớm và bằng gần 60% sản lượng vải toàn tỉnh). Riêng Thanh Hà đã thu hoạch khoảng 30.000 tấn.
Giá vải thiều Hải Dương vẫn duy trì ở mức cao, dao động từ 18.000-30.000 đồng/kg tại vườn, tùy theo chủng loại và phương thức đóng gói. Vải thiều của Thanh Hà luôn có giá cao hơn từ 10-15.000 đồng/kg so với các nơi khác.
Sản lượng tiêu thụ nội địa chiếm khoảng 50% tổng sản lượng vải thiều đã tiêu thụ, tương đương 20.000-21.000 tấn. Thị trường tiêu thụ trong nước chủ yếu vẫn là khu vực phía Nam, TPHCM, Hà Nội và một số địa phương lân cận.
Vải thiều của Hải Dương hiện đã xuất khẩu tới trên 10 quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Australia, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia… Thị trường Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính, chiếm khoảng 60-70% sản lượng.
Tính đến hết ngày 8/6, trên 180 tấn vải thiều Việt Nam đã được xuất khẩu đi Nhật. Các doanh nghiệp như Rồng Đỏ, Ameii, Chính Thu… đang thu mua và xuất khẩu 1.000 tấn vải thiều tươi đi Nhật Bản và khoảng 4.000 tấn vải đi Mỹ, EU… Xuất khẩu sang thị trường Pháp, Hà Lan, Australia khoảng 600 tấn.
Trong thời điểm chính vụ vải thiều tiếp đây, Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các địa phương, các hiệp hội, ngành hàng thực hiện đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của tỉnh Bắc Giang cũng như của cả nước tại thị trường trong nước. Tăng cường kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn, phối hợp với các địa phương, thông qua Sở Công Thương thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường. Chủ động phối hợp hướng dẫn các địa phương các hoạt động kết nối trực tuyến (trong điều kiện giãn cách xã hội).
Đặc biệt, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải và các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương tại 21 điểm cầu trong nước và 2 điểm cầu tại Trung Quốc; Singapore, Australia, Mỹ, Nhật Bản.
Trong giai đọan các địa phương phải giãn cách vì dịch bệnh (đặc biệt với Bắc Giang), Bộ Công Thương cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động tiêu thụ nông sản của tỉnh Bắc Giang, đặc biệt biệt là với trái vải do thời gian thụ hoạch ngắn, có sản lượng lớn nhưng khó bảo quản, chế biến… Đồng thời, tiếp tục, bám sát, theo dõi hỗ trực tiếp và gián tiếp hoạt động lưu thông, tiêu thụ nông sản của tỉnh Bắc Giang, bảo đảm nông sản được lưu thông, không bị ùn ứ.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã thiết lập bộ phận thường trực gồm đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và đại diện Phòng Quản lý thương mại của 63 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại các địa phương.
Phan Trang