Tết Trung Thu là một trong những ngày lễ truyền thống trong văn hóa người Việt, mang nguồn gốc và ý nghĩa thú vị.
Tết Trung thu được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch hàng năm. Từ xưa, đây được xem là ngày lành, tháng tốt để tiên đoán mùa màng và cũng là dịp Tết vui chơi của trẻ nhỏ.
Theo đó, người xưa luôn cho rằng có mối liên hệ giữa cuộc đời và vầng trăng. Trăng tròn và trăng khuyết, niềm vui nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia ly. Cũng từ đó trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết Trung thu cũng được gọi là Tết Đoàn viên.
Ảnh minh họa.
Nguồn gốc Tết Trung thu
Theo các nhà khảo cổ học, Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê – Trịnh thì Tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa.
Cũng có rất nhiều những truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian về nguồn gốc ra đời của ngày Tết Trung thu như: Chuyện nhà vua dạo chơi cung trăng vào Rằm tháng Tám, sự tích chị Hằng Nga, sự tích chú Cuội, sự tích Thỏ Ngọc…
Vào ngày Tết Trung thu người Việt hay sửa soạn mâm cỗ ngọt với hoa quả, bánh kẹo để cúng gia tiên. Bên cạnh đó có nhiều hoạt động vui chơi dành cho thiếu nhi như phá cỗ rước đèn dưới đêm trăng.
Ý nghĩa Tết Trung thu
Theo phong tục người Việt, ngày Tết trung thu tất cả các thành viên trong gia đình quây quần bên mâm cỗ gồm bánh kẹo, mía, bưởi và các loại hoa quả để đón Tết. Đây là dịp thể hiện tình cảm gia đình, bạn bè, họ hàng. Người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng…
Khi đêm xuống, mặt đất ngập tràn ánh trăng vàng, xóm làng cùng nhau tụ họp uống nước chè xanh, ăn bánh, ngắm trăng. Bên cạnh đó có nhiều hoạt động cho trẻ em vui chơi, rước đèn, múa Lân, trông trăng, phá cỗ,… thật vui.
Thời xa xưa thì người Việt còn tổ chức các hoạt động hát trống quân vào dịp này. Trai gái dùng điệu hát trống quân trong những đêm rằm vừa để vui chơi cũng như kén chọn bạn trăm năm. Người ta hay dùng thơ lục hay lục bát biến thể để hát.
Theo quan niệm của người xưa, Tết Trung thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.
Đến thời nay thì Tết Trung thu dần trở thành Tết của trẻ em. Đây là dịp Nhà nước hay các tổ chức cũng như người lớn thể hiện sự quan tâm đến trẻ em với nhiều hoạt động tổ chức như trao quà, tổ chức văn nghệ, rước đèn ông sao…
Tết Trung thu năm 2020 vào ngày nào?
Năm 2020 là năm nhuận có hai tháng 4 nên Tết Trung thu sẽ được đẩy lùi lại, diễn ra muộn hơn so với năm 2019.
Theo đó, Tết Trung thu 2020 sẽ được diễn ra vào 15/8/2020 Âm lịch và là thứ 5 ngày 1/10/2020 theo Dương lịch.
Cúng rằm tháng 8 – Tết Trung thu gồm những gì?
Tết Trung thu hay rằm tháng 8 hàng này là ngày được nhiều người đón chờ nhất. Đây là dịp gia đình đoàn viên sum họp trẻ em được tặng đồ chơi hay tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa.
Bên cạnh đó vào ngày này mỗi gia đình sẽ có cách tổ chức bày cỗ trông trăng khác nhau. Để sắm lễ trang trí mâm cỗ đầy đủ đẹp mắt bạn cần chuẩn bị:
– Hương hoa, đèn nến, xôi gà, gạo muối
– Các loại bánh Trung thu như bánh dẻo, bánh nướng
– Hoa quả trái cây theo mùa và chiếc đèn ông sao
Sau khi mua đủ những món đồ trên, bạn trang trí ra mâm để cúng Rằm Trung thu đầy ắp tình yêu thương.
Cách chọn hoa quả cho mâm cỗ cúng rằm Trung thu
Cách trang trí mâm ngũ quả mỗi vùng miền sẽ khác nhau tùy theo phong tục tập quán. Cụ thể:
– Ở miền Bắc thường dùng các loại quả như Chuối, Bưởi, Đào, Hồng, Cam… để trang trí.
– Ở miền Nam thường trang trí độc đáo với các loại trái cây đặc trưng như: Đu đủ, mãng cầu, dừa, xoài hay sung…. mang lại nhiều ý nghĩa.
Mâm ngũ quả Trung thu cần phải bày biện trang trí sao hài hòa cân bằng giữa các loại quả khác nhau sao cho sinh động và ấn tượng nhất.
Bài cúng rằm tháng 8 – Tết Trung thu theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam
Nam mô A-di-đà Phật!
Nam mô A-di-đà Phật!
Nam mô A-di-đà Phật!
– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật
– Con kính lạy Hoàng thiên hậu Thổ chư vị Tôn thần
– Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn Thần
– Con kính lạy Cao Tằng Tổ khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá, Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại
Tín chủ (chúng) con là: ……………….
Ngụ tại: ……………
Hôm nay là ngày Rằm tháng Tám gặp tiết Trung Thu tín chủ chúng con thành tâm sắm lễ, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài Thần. Cúi xin các ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ ………, cúi xin thương xót con cháu linh thiêng hiện về, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng. Xin các ngài độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng vinh quang thịnh vượng.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A-di-đà Phật!
Nam mô A-di-đà Phật!
Nam mô A-di-đà Phật!
Minh Anh (TH)